CỤC KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

TRUNG TÂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN

MIDDLE AND HIGHLAND CENTER FOR ENVIRONMENTAL MONITORING

Diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2021
Ngày đăng: 18/10/2021 07:53:25

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên là đơn vị đầu mối của Tổng cục Môi trường thực hiện quan trắc môi trường quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2021, Trung tâm được giao thực hiện “Chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với môi trường khí và nước” tại khu vực với mục tiêu theo dõi hiện trạng chất lượng môi trường nước, không khí theo không gian và thời gian, kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm, các sự cố ô nhiễm môi trường nước và không khí nhằm đề xuất giải pháp khắc phục. 

Chương trình quan trắc được thực hiện tại 33 điểm không khí thuộc địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định); 36 điểm nước mặt trên 2 lưu vực sông (LVS): Hương, Vu Gia - Thu Bồn tại 04 tỉnh, thành phố (Kon Tum, Quảng Nam, Tp Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế); môi trường nước biển ven bờ tại 34 điểm thuộc 07 tỉnh, thành phố (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Chất lượng môi trường nước mặt được đánh giá dựa theo chỉ số chất lượng nước của Việt Nam (VN_WQI) do Tổng cục Môi trường ban hành theo Quyết định số 1460/QĐ - TCMT ngày 12 tháng 11 năm 2019 về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước Việt Nam và được tính theo các thông số quan trắc đặc trưng bao gồm: nhiệt độ, pH, một số thông số kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, hữu cơ và dinh dưỡng. Chất lượng môi trường không khí được đánh giá, so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h) và QCVN 26:2010/BTNMT. Chất lượng môi trường nước biển được đánh giá, so sánh với QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

 Sau đây là diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước 6 tháng đầu năm 2021 (thực hiện từ tháng 04/2021 đến tháng 06/2021).

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Kết quả quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và cường độ dòng xe qua 3 đợt 6 tháng đầu năm 2021 tại 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn với tỉ lệ trung bình cả năm là 29,3% giá trị TSP vượt QCVN 05:2013/BTNMT (300 µg/m3) (viết tắt là QCVN 05), và 35,3% giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA) tại các trục giao thông lớn và KCN; các thông số SO2 và NO2 thấp hơn giới hạn cho phép.

Bảng 1. Tỷ lệ % thông số vượt ngưỡng trong môi trường không khí tại khu vực miền Trung 6 tháng đầu năm 2021

TTThông sốTổng số giá trịGiá trị lớn nhấtTổng số giá trị vượt QCVN 05: 2013/BTNMTTỷ lệ % vượt chuẩn
Đợt 1Đợt 2Đợt 3TB
1TSP993412933,333,321,229,3
2SO2995100000
3NO2995300000
4Tiếng ồn99833539,442,424,235,3

Ghi chú: tiếng ồn theo QCVN 26: 2010/BTNMT

Qua 3 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021, tại 33 điểm cho thấy giá trị TSP dao động từ 162 - 341 µg/m3, với giá trị TSP trung bình cao nhất tại điểm đo gần chỗ ô tô Trường Hải - Quảng Nam (335,0 µg/m3) vượt QCVN 05 (300 µg/m3) với 1,12 lần, nguyên nhân đây là nút giao thông ngay đường Quốc lộ 1A nên lưu lượng xe cộ qua lại rất đông làm gia tăng giá trị TSP. Các điểm quan trắc có giá trị vượt quy chuẩn tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, vào thời điểm quan trắc của đợt 3 năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số khu vực thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng điểm vượt tại các đô thị và khu vực giao thông giảm đáng kể.

Giá trị trung bình thấp nhất tại điểm đo khu dân cư phía Tây KCN Tam Hiệp - Quảng Nam (187 µg/m3) và KDC phía Tây nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi (187 µg/m3) do đây là điểm tập trung dân cư thưa thớt, phương tiện qua lại tại vị trí này tương đối thấp, dao động từ 3 - 50 chiếc.

 Giá trị TSP trung bình 6 tháng đầu năm 2021 vượt QCVN 05 (300 µg/m3) với 11/33 điểm quan trắc, chiếm tỷ lệ 33,3%. Nhìn chung giá trị TSP tại các địa phương khu vực miền Trung có xu hướng tăng cao tại thời điểm quan trắc đợt 1 và đợt 02 (tháng 4, 5) và giảm dần so với đợt 3 (tháng 6).

Biểu đồ 1. Giá trị TSP vùng KTTĐ miền Trung 06 tháng đầu năm 2021

Ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc trên tuyến giao thông lớn và điểm gần KCN, đặc biệt vào các giờ cao điểm, mức độ ồn dao động trong khoảng 50,0 - 83,0 dBA. Tỉ lệ số điểm có giá trị vượt ngưỡng tăng vào đợt 2 và giảm mạnh vào đợt 3 (cụ thể đợt 1: 13/33 điểm, đợt 2: 14/33 điểm; đợt 3: 08/33 điểm). Các điểm quan trắc có giá trị tiếng ồn vượt ngưỡng cả 03 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021 được xác định tại điểm quan trắc: Tây Bắc KCN Phú Bài (Thừa Thiên - Huế); Tây KCN Liên Chiểu và Đông KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng); gần chỗ ôtô Trường Hải, KDC phía bắc KCN Tam Hiệp (Quảng Nam); phía Đông KCN Phú Tài (Bình Định).

Biểu đồ 2.Giá trị tiếng ồn vùng KTTĐ miền Trung 6 tháng đầu năm 2021

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Kết quả quan trắc môi trường nước mặt qua 3 đợt (tháng 4, tháng 5 và tháng 6) của 6 tháng đầu năm 2021 tại LVS Vu Gia - Thu Bồn (30 điểm quan trắc) và sông Hương (6 điểm quan trắc) có chỉ số VN_WQI trung bình dao động từ 79 - 98, chất lượng nước đạt mức tốt và rất tốt, trong đó: có 25/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 69,4%), 11/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,6%).

Biểu đồ 3. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_WQI trên 2 LVS tại miền Trung và Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2021

Lưu vực sông Hương

Chất lượng nước trên LVS Hương 6 tháng đầu năm 2021 có giá trị VN_WQI trung bình nằm trong khoảng 84 - 96, trong đó: có 05/06 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, 01/06 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Biểu đồ 4. Diễn biến VN_WQI trên Sông Hương 6 tháng đầu năm 2021

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

Chất lượng nước trên LVS Vu Gia - Thu Bồn 6 tháng đầu năm 2021 có giá trị WQI trung bình nằm trong khoảng 79 - 98, trong đó: có 20/30 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, 10/30 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Biểu đồ 5. Diễn biến chất lượng nước trên sông Thu Bồn 6 tháng đầu năm 2021
Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng nước trên sông Vu Gia 6 tháng đầu năm 2021

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC BIỂN VEN BỜ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Khu vực ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 được đánh giá qua 02 đợt quan trắc (tháng 4 và tháng 6) tại 34 điểm/đợt tập trung tại khu vực ven biển của 7 tỉnh/ thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Trong đó, vùng ven biển Quảng Bình 10 điểm, vùng ven biển Quảng Trị 06 điểm, vùng ven biển Thừa Thiên Huế 08 điểm; vùng ven biển Đà nẵng 02 điểm; vùng ven biển Quảng Nam 03 điểm; ven biển Quảng Ngãi 03 điểm và 02 điểm ven biển Quy Nhơn. 

Tổng chất rắn lơ lửng (TSS)         

Giá trị TSS qua 2 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021 dao động <15,0 - 66,0 mg/L với giá trị cao nhất tại điểm quan trắc biển Quy Nhơn và cảng Quy Nhơn (đợt 1) 66,0 mg/L vượt 1,32 lần QCVN 10 (cột 1&2). Đợt 1 có 03/68 mẫu vượt QCVN 10 (cột 1&2); tần suất vượt 4,41%, đợt 2 tất cả các mẫu đều đạt QCVN 10 (cột 1&2), tần suất đạt 100%.

Biểu đồ 7. Giá trị TSS vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 (Quảng Bình và Quảng Trị)
Biểu đồ 8. Giá trị TSS vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021
(Thừa Thiên - Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định)

Giá trị N - NH4+

Giá trị N-NH4+ dao động từ  <0,09 – 0,83 mg/L. Trong đó: giá trị N-NH4+ cao nhất tại điểm quan trắc Âu thuyền Thọ Quang đợt 1 (tháng 4 ), vượt 8,3 lần QCVN 10 cột 1 và vượt 1,66 lần QCVN 10 cột 2 & 3; điểm quan trắc này chịu ảnh hưởng lớn từ các hoạt động của nghề cá và hoạt động neo đậu tàu thuyền nên giá trị N-NH4+ cao hơn hẳn so với các điểm quan trắc khác. Có 34/68 giá trị vượt QCVN 10 đối với cột 1 (0,1 mg/L), tần suất vượt là 50,0%, có 2/68 giá trị vượt QCVN 10 đối với cột 2&3 (0,5 mg/L), tần suất vượt là 2,94%, trong đó có 28/68 giá trị quan trắc được có giá trị N-NH4+ nhỏ hơn giới hạn định lượng LOQ (< 0,09 mg/L).

Biểu đồ 9. Giá trị N-NH4+ vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 (Quảng Bình và Quảng Trị)
Biểu đồ 10. Giá trị N-NH4+ vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021(Thừa Thiên - Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định)

Giá trị P-PO43-­­

Giá trị P-PO43-­­ dao động <0,024 - 0,89 mg/L với giá trị vượt cao nhất tại điểm quan trắc Nhật Lệ (Quảng Bình) trong đợt 1 là 0,89 mg/L (vượt 2,97 lần QCVN 10 cột 2), có 6/68 giá trị vượt QCVN 10 cột 1 tần suất vượt 8,8%, 3/68 giá trị vượt QCVN 10 cột 2 tần suất vượt 4,4%.

Biểu đồ 11. Giá trị P-PO4-3 vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 (Quảng Bình và Quảng Trị)
Biểu đồ 12. Giá trị P-PO4-3 vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 
(Thừa Thiên - Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định)

Giá trị Fe

Giá trị Fe dao động <0,09-0,90 mg/L, giá trị vượt cao nhất tại cảng Quy Nhơn (đợt 2) là 0,90 mg/L, vượt 1,8 lần QCVN 10 (cột 1&2, 0,5 mg/L). Giá trị Fe tại 34 điểm trong 2 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy: có 4/68 giá trị vượt QCVN 10, tần suất  vượt 5,9%.

Biểu đồ 13. Giá trị Fe vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 (Quảng Bình và Quảng Trị)
Biểu đồ 14. Giá trị Fe vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021
(Thừa Thiên - Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định)

Giá trị Dầu mỡ khoáng

Kết quả quan trắc Dầu mỡ khoáng tại 10 điểm 6 tháng đầu năm 2021 dao động <0,3 – 0,7 mg/L với giá trị cao nhất tại Cảng Tiên Sa vượt QCVN 10 cột 1 (0,2mg/L) là 3,5 lần và vượt QCVN 10 cột 2 (0,3mg/L) là 2,3 lần. Có 4/20 giá trị vượt QCVN 10 cột 1&2, tần suất vượt quy chuẩn 20,0%.

Biểu đồ 15. Giá trị Dầu mỡ khoáng vùng ven biển duyên hải miền Trung  6 tháng đầu năm 2021 (Quảng Bình và Quảng Trị)
Biểu đồ 16. Giá trị Dầu mỡ khoáng vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 (Thừa Thiên - Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định)

Từ kết quả quan trắc môi trường thuộc chương trình quan trắc môi trường nước quốc gia 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy:

- Đối với môi trường không khí và tiếng ồn: chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn tại miền Trung 6 tháng đầu năm 2021: nhìn chung diễn biến giá trị các khí ô nhiễm SO2, NO2  đều nằm trong giới hạn QCVN 05 chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Ô nhiễm tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn tại các đô thị và khu vực giao thông vẫn duy trì qua các đợt quan trắc, tuy nhiên có giảm đáng kể vào đợt 3 do một số khu vực thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Giá trị tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn trung bình vượt quy chuẩn tập trung tại một số KKT, KCN và các trung tâm đô thị thương mại, khu dân cư (Đông Nam KCN Phú Bài, Tây Bắc KCN Phú Bài - Thừa Thiên Huế; Tây KCN Liên Chiểu, Đông KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng; gần chỗ ôtô Trường Hải - Quảng Nam và phía Đông KCN Phú Tài - Bình Định). Do vậy, người dân sinh sống gần các khu vực trên cần lưu ý có các biện pháp bảo vệ khi có các hoạt động sinh hoạt ngoài trời. 

- Đối với môi trường nước: chất lượng nước mặt tại LVS Vu Gia – Thu Bồn và LVS Hương 6 tháng đầu năm 2021 có chỉ số VN_WQI trung bình dao động từ 79 - 98, chất lượng nước đạt mức tốt và rất tốt, trong đó: có 25/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 69,4%), 11/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,6%).

- Đối với môi trường nước biển ven bờ: kết quả quan trắc thành phần môi trường nước biển ven bờ vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy các thông số TSS, N-NH4+, P-PO43-, Fe, Dầu mỡ khoáng có giá trị vượt ngưỡng quy định theo QCVN 10: TSS (4,41%), N-NH4+ (52,9%), P-PO43- (13,2%), Fe (5,9%), Dầu mỡ khoáng (20,0%), các thông số còn lại chưa có dấu hiệu ô nhiễm.

 

ThS. PHẠM QUANG HIẾU

ThS. CHU THỊ QUỲNH

ThS. LÊ CHÂU QUANG VIỄN

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên

Tổng cục Môi trường