Tăng tốc hành động cho mục tiêu quản lý an toàn hóa chất và chất thải
Ngày đăng: 10/05/2023 01:37:40
(TN&MT) - Đây là chủ đề Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2023, diễn ra từ ngày 1 – 12/5 tại Giơnevơ, Thuỵ Sỹ. Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.
Thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên của 3 Công ước: Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (Công ước Basel); Công ước Rotterdam về các thủ tục thỏa thuận, thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (Công ước Rotterdam) và Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Công ước Stockholm).
Theo thống kê của Ban Thư ký các Công ước, tính đến ngày 1/5/2023, đã có 190 quốc gia tham gia Công ước Basel, 165 quốc gia tham gia Công ước Rotterdam và 186 quốc gia tham gia Công ước Stockholm. Theo định kỳ tổ chức 2 năm một lần, Hội nghị năm 2023 bao gồm các phiên họp toàn thể và các phiên họp kỹ thuật của từng Công ước, nhằm thảo luận và thông qua các kết luận, quyết định cho các Công ước.
Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm, được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn công tác gồm các đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự trực tiếp các Hội nghị. Đối với Công ước Rotterdam, được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Công Thương đã cử đại diện Cục Hoá chất tham dự Hội nghị.
Thông qua việc tham gia và thực hiện các hoạt động của Công ước Stockholm và Công ước Basel, Đoàn công tác của Bộ TN&MT đặt mục tiêu thể hiện trách nhiệm của Việt Nam nói chung và của ngành TN&MT nói riêng về bảo vệ môi trường và sức khỏe con người đối với Cộng đồng quốc tế.
Các thành viên đoàn sẽ tham gia đàm phán, thông qua một số quyết định quan trọng của các Công ước liên quan đến việc quản lý các hoá chất đặc biệt nguy hại và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP) theo toàn bộ vòng đời sản phẩm hoá chất và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa các chất POP; kiểm soát và xử lý ô nhiễm hoá chất/POP tồn lưu; thông báo và quản lý hoạt động thương mại quốc tế đối với một số các hoá chất nguy hiểm; quản lý và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại xuyên biên giới. Qua đó, thể hiện các kết quả mà Việt Nam đã đạt được sau 28 năm tham gia Công ước Basel và 22 năm tham gia Công ước Stockholm.
Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải
Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 16 các Bên tham gia Công ước Basel (COP16-BC), Hội nghị lần thứ 11 các Bên tham gia Công ước Rotterdam (COP11-RC) và Hội nghị lần thứ 11 các Bên tham gia Công ước Stockholm (COP11-SC) có hơn 2.000 đại biểu tham dự - đại diện cho các quốc gia là thành viên của ba Công ước, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế.
Tại Lễ khai mạc, các đại biểu đã nghe giới thiệu và thông qua chương trình Hội nghị. Các nội dung chính bao gồm: Các vấn đề tổ chức của các Công ước Basel, Công ước Rotterdam và Công ước Stockholm; các vấn đề thực hiện Công ước Basel, Công ước Rotterdam và Công ước Stockholm; các vấn đề điều phối và hợp tác quốc tế; tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa Công ước Basel, Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm và Công ước Minamata; chương trình làm việc và kinh phí của từng Công ước; các vấn đề khác; thông qua các quyết định của từng Công ước và báo cáo của Hội nghị.
Trong tuần đầu tiên diễn ra Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã tham gia phiên họp tổng thể và các phiên họp kỹ thuật của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; trao đổi và thảo luận về việc bổ sung 3 chất POP mới trong Phụ lục A của Công ước Stockholm, bao gồm Dechlorane Plus, UV-328, Methoxychlor.
Các thành viên đoàn cũng tham gia các các cuộc họp với các đối tác, tổ chức quốc tế như: Ban Thư ký các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Qua đó, tăng cường sự hợp tác, trao đổi giữa các bên và tìm kiếm nguồn tài trợ cho việc thực hiện các hoạt động của Công ước Basel, Công ước Stockholm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Đoàn công tác của Việt Nam đã tiếp xúc và trao đổi song phương với các quốc gia về các nội dung liên quan đến các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm sẽ được thảo luận và thông qua tại Hội nghị các bên lần này.
Trong thời gian này, Đoàn cũng đã gặp và làm việc với Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ, Thụy Sỹ. Nội dung trao đổi về việc tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và Phái đoàn trong các lĩnh vực TN&MT nói chung và thực hiện Công ước Stockholm, Công ước Basel nói riêng.
Ngoài ra, Đoàn công tác còn tham gia gặp và trao đổi với đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới về nội dung phòng chống chất thải nhựa trong khuôn khổ Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP).
Cùng với chương trình Hội nghị chính thức, trong tuần đầu diễn ra Hội nghị, Đoàn công tác đã tham dự một số sự kiện bên lề:
- Sự kiện “Định hướng nguồn lực tài chính: Các chiến lược tiếp cận nguồn vốn trong quản lý hóa chất” do GEF tổ chức ngày 1/5.
- Sự kiện “Ô nhiễm PFAS và kinh nghiệm loại bỏ PFAS trong bọt chữa cháy” do Phần Lan phối hợp với Trung tâm khu vực của Công ước Stockholm về tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ tại Tây Ban Nha tổ chức ngày 2/5.
- Sự kiện “Hợp tác để chống lại vận chuyển trái phép chất thải sang khu vực Đông Nam Á: Góp phần quản lý an toàn chất thải và thực hiện Công ước Basel” do Văn phòng Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) phối hợp với Indonesia tổ chức ngày 4/5.
- Sự kiện “Cách tiếp cận linh hoạt khi thực hiện thủ tục thông báo trước” do Tổ chức Nhận thức xanh tổ chức ngày 7/5.
- Sự kiện “Tủ lạnh, các thiết bị làm lạnh hết hạn sử dụng: các thách thức và cơ hội trong quản lý an toàn về môi trường tại các quốc gia phát triển, đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi” do Chương trình Đối tác hành động về những thách thức liên quan đến chất thải điện tử tổ chức ngày 7/5.