(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước kiểm soát, cải thiện ô nhiễm không khí, đồng thời kịp thời cảnh báo tính trạng ô nhiễm không khí để người dân chủ động giảm thiểu những tác động của ô nhiễm không khí gây ra.
Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe người dân
Với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong tương lai nếu không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các địa phương khác. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.
PGS,TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại TP.HCM. Trong đó, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính tại TP.HCM, lĩnh vực giao thông vận tải chiếm 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính.
Được biết, do kích thước siêu nhỏ, các hạt bụi PM2.5 thâm nhập sâu vào máu khi hít phải, có khả năng gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe như hen suyễn, ung thư phổi và bệnh tim. Phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 cũng liên quan đến việc trẻ sơ sinh nhẹ cân, tăng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và đột quỵ.
Cũng theo PGS,TS Hồ Quốc Bằng, chất lượng không khí tại TP.HCM được cải thiện đáng kể trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm không khí ở TP.HCM sẽ gia tăng khi thành phố trở về hoạt động bình thường sau thời gian giãn cách. Vì vậy, thời gian tới, TP.HCM phải xây dựng được kế hoạch quản lý chất lượng không khí một cách căn cơ và dài hạn, phải tính toán các giải pháp đồng bộ để giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí.
Trong đó, TP.HCM cần đẩy nhanh kiểm soát khí thải xe máy, hạn chế xe cá nhân, kêu gọi sử dụng nhiên liệu sạch và khuyến khích mọi người tham gia phương tiện giao thông công cộng. Về lâu dài, cần xây dựng hạ tầng giao thông công cộng tiện nghi, hiện đại; mạng lưới xe buýt trải đều, phủ rộng.
Theo dõi chất lượng không khí qua ứng dụng
Vừa qua, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã cho ra mắt Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí - Healthy AIR, ứng dụng cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm ở hiện tại và dự báo trong tương lai. Ứng dụng được phát triển với sự phối hợp giữa nhiều đơn vị như: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland, có trụ sở tại University College Dublin (UCD), Ireland;…
Healthy AIR có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như: O3, NO2, SO2, PM2.5, CO…; Hiển thị chất lượng không khí bằng chỉ số AQI theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (Quyết định số 1459/QĐ-TCMNT). Bên cạnh đó, Healthy AIR cũng kịp thời đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như hen suyễn, viêm xoang, hô hấp,…
Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí, nhóm nghiên cứu phân tích tác động ô nhiễm với hồ sơ tử vong. Sau đó, dự án sẽ phát triển các mô hình học để dự đoán mức độ của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ô nhiễm không khí trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại TP.HCM.
PGS,TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng dự án cho biết: “Những dự đoán này cùng với sự phân tích sức khỏe cộng đồng sẽ là cơ sở cho việc phát triển chính sách ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính mới. Nhóm dự án sẽ liên lạc với các nhà hoạch định chính sách quan trọng ở Việt Nam để phát triển và thực hiện những thay đổi này.”